Hội nghị đánh giá kết quả công tác phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình những tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022

Cập nhật: Thứ ba, 16/08/2022

Chiều ngày 15/8, đồng chí Tống Quang Thìn, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình chủ trì hội nghị đánh giá kết quả công tác phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng tỉnh Ninh Bình những tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ  những tháng cuối năm 2022. Dự hội có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của tỉnh; lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị có liên quan; các thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo.

 

Quang cảnh hội nghị

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác chuyển đổi số, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, quan điểm rõ ràng, tạo được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành; với nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số gắn liền với tiếp tục xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử/Chính quyền số sẽ là động lực quan trọng, là cách tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp công nghệ lần thứ tư trên địa bàn tỉnh một cách nhanh chóng, đưa tỉnh Ninh Bình bứt phá vươn lên đạt mục tiêu về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Với quan điểm “Đầu tư ít, hiệu quả cao” đã được khẳng định đúng với tình hình thực tiễn của tỉnh, cụ thể các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đến 100% các cơ quan, đơn vị và sớm hoàn thành việc kết nối theo yêu cầu với các hệ thống của quốc gia; nền tảng Chính quyền điện tử/Chính quyền số đang được xây dựng trên cơ sở đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tận dụng, kế thừa hạ tầng kỹ thuật, thiết bị sẵn có để phát triển, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Các hệ thống thông tin, hạ tầng mạng của tỉnh vận hành ổn định, thông suốt đảm bảo an toàn, an ninh trên không gian mạng; các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng hành, vào cuộc quyết liệt, qua đó đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả; việc đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử/Chính quyền số, chuyển đổi số trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ doanh nghiệp và người dân ngày càng hiệu quả.

Năm 2021, tỉnh Ninh Bình được Bộ Thông tin và Truyền thông (cơ quan thường trực của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số) đánh giá, xếp hạng thứ 6 trên 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về kết quả thực hiện các chỉ số chuyển đổi số (DTI) của các Bộ, ngành, địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã làm rõ những khó khăn, hạn chế và đề xuất các giải pháp trong công tác phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trong thời gian tới.

Nhiệm vụ trong thời gian tới của tỉnh là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền để thực hiện hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo ATTT mạng năm 2022; tiếp tục rà soát, ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển Chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước; gắn kết chặt chẽ hoạt động chuyển đổi số của tổ chức, của cán bộ, công chức với công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Đồng chí Tống Quang Thìn, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình chủ trì hội nghị

Kết luận Hội nghị, đồng chí Tống Quang Thìn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chỉ rõ một số tồn tại hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh, đồng thời thống nhất một số nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong những tháng cuối năm để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra theo kế hoạch của UBND tỉnh. Trong đó cần tăng cường lãnh đạo chỉ đạo, tuyên truyền, thay đổi nhận thức, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Cần quan tâm xây dựng, phát triển hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số. Các nhiệm vụ, dự án trong xây dựng, phát triển chính quyền số phải gắn với các mục tiêu, yêu cầu cụ thể về nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, hiệu lực hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền.

Phát triển kinh tế số phải gắn với mục tiêu, yêu cầu thúc đẩy giao dịch điện tử, thanh toán không tiền mặt, đẩy mạnh đưa sản phẩm hàng hóa đặc trưng lên sàn giao dịch điện tử. Phát triển xã hội số phải tập trung vào mục tiêu trước mắt là nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân, thúc đẩy người dân tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt; tiếp cận, tham gia mua bán, tiếp thị trên các sàn thương mại điện tử phổ biến của Việt Nam.

An Na