Tiêu dùng số, thanh toán số - xu thế tất yếu

Cập nhật: Thứ ba, 12/04/2022

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tới mọi mặt đời sống, hơn nữa ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu, hành vi tiêu dùng của người dân có xu hướng thay đổi từ giao dịch gặp mặt trực tiếp sang tương tác chủ yếu qua các kênh số. Chuyển đổi số, tiêu dùng số, hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh hiện nay, tạo ra tác động kép vừa góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.

Tiêu dùng số, thanh toán số - xu thế tất yếu

VNPT tăng cường triển khai các dịch vụ số đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tích cực vào chuyển đổi số của nền kinh tế. Ảnh: Trường Giang

Thanh toán không tiền mặt lên ngôi

Mở 2 tài khoản tại Vietinbank và MB Bank, 2 năm trở lại đây, anh Nguyễn Anh Tuấn (phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình) thường xuyên sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử như: internet banking và ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng là Momo, VNPay để thanh toán tại các siêu thị, cửa hàng ăn uống hay mua sắm trực tuyến... 

Anh Tuấn chia sẻ: Mỗi lần ra ngoài, tôi chỉ giữ một ít tiền mặt bên người còn lại mọi hoạt động giao dịch đều thanh toán qua ngân hàng điện tử. Việc này rất tiện lợi, an toàn và giúp tôi quản lý chi tiêu dễ dàng hơn. Ngoài ra, thanh toán không dùng tiền mặt cũng nhanh và chính xác hơn so với việc sử dụng tiền mặt. 

Hơn nữa, việc thanh toán này còn hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Hiện nay, cơ sở hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt trong cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh ngày càng được đầu tư nhiều hơn. Hầu hết các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ đều đã mở rộng các hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các ứng dụng tích hợp trong điện thoại thông minh... 

Theo đại diện nhiều siêu thị, trung tâm thương mại, khách hàng trong độ tuổi từ 25- 45 và khách hàng là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp là các nhóm khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử phổ biến nhất. 

Gia tăng tiêu dùng số 

Để đáp ứng nhu cầu hàng ngày trong bối cảnh dịch bệnh, người tiêu dùng đang chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến. Theo kết quả khảo sát do Facebook và Bain & Company hợp tác thực hiện, trong năm 2021, 5 hoạt động trên không gian trực tuyến được người Việt dành nhiều thời gian nhất chính là mạng xã hội, nhắn tin, xem video, thương mại điện tử và gửi email. Có thể thấy rõ một số lượng lớn người tiêu dùng Việt tiếp cận kỹ thuật số và thực hiện mua sắm online với nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau. 

Tiêu dùng số thanh toán số xu thế tất yếu

 

Nhân viên Ngân hàng BIDV hướng dẫn khách hàng sử dụng smartphone trong giao dịch. Ảnh: Trường Giang

 

Những lợi ích như: tiết kiệm thời gian và chi phí, sản phẩm và dịch vụ đa dạng, dịch vụ giao hàng tận nơi là động lực thúc đẩy người dân mua sắm chọn trải nghiệm số hóa. Việc mua sắm online cũng tăng lên khi người dân sử dụng điện thoại thông minh khá phổ biến. Theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, hiện nay trên địa bàn Ninh Bình đang có trên 469 nghìn ID sử dụng điện thoại thông minh. 

Người dùng hiện đang khai thác nhiều lợi ích của công nghệ và ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày, từ việc mở tài khoản ngân hàng hay mở thẻ online, tìm thông tin, xem trải nghiệm và đánh giá sản phẩm trước khi mua và kế đến là thanh toán không tiếp xúc với ví điện tử. Tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng số song hành với mức tăng chi tiêu số. 

Theo xu hướng thay đổi hành vi của người dùng, các doanh nghiệp đang điều chỉnh chiến lược kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu của người dùng mới chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Rõ ràng, tiêu dùng số, thanh toán số là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0, nó tạo ra tác động kép vừa góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện. 

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, vẫn còn nhiều rủi ro đặt ra cho cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp kinh doanh. Người tiêu dùng có thể gặp phải trường hợp mua hàng không như quảng cáo. 

Ngoài ra, một số trường hợp hàng hóa giao chậm, đóng gói không cẩn thận, khi người tiêu dùng nhận được thì hàng đã bị bể, vỡ, hỏng hóc không thể dùng được. Với một số đơn hàng, tuy khách hàng đã thực hiện thanh toán nhưng vẫn không nhận được hàng. 

Bên cạnh đó, người dân còn phải đối mặt với nguy cơ bị lộ các thông tin cá nhân, bị đánh cắp tiền trong tài khoản. Đối với các doanh nghiệp hoặc người bán hàng, họ có thể gặp phải tình trạng bị khách bom hàng, bị đối thủ cạnh tranh chơi xấu. 

Do vậy, thời gian tới, để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong bán lẻ, tiêu dùng, thanh toán không dùng tiền mặt, chúng ta phải tập trung nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại. 

Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt. Có cơ chế giải quyết tranh chấp có thể phát sinh trong các hoạt động sử dụng công nghệ số, nền tảng số, thanh toán không dùng tiền mặt. 

Bên cạnh đó, truyền thông, phổ biến kiến thức về các hành vi lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật; phối hợp giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. 

Theo Baoninhbinh.gov.vn