Ninh Bình: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động công chứng

Cập nhật: Thứ sáu, 14/04/2023

"Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động công chứng" là nội dung nổi bật được nêu tại công văn số 1246/BTP-BTTP ngày 04/4/2023 của Bộ Tư pháp về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.

Ảnh minh hoạ

Thời gian qua, bên cạnh kết quả đã đạt được góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia giao dịch dân sự, kinh tế; phòng ngừa tranh chấp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, hoạt động công chứng cũng còn một số tồn tại, hạn chế cần được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời, Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn, có giải pháp thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 70 Luật Công chứng, trong đó quan tâm chỉ đạo thực hiện một số nội dung cụ thể sau:

Một là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động công chứng. Chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng trên địa bàn.

Hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới tiêu chí xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng theo quy định tại Điều 70 Luật Công chứng và phù hợp với chính sách phát triển nghề công chứng đã xác định trong Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ; bám sát các điều kiện thành lập, đăng ký hoạt động đối với Văn phòng công chứng quy định tại các Điều 22, Điều 23 của Luật Công chứng, Điều 17 Nghị định số 29/2015/NĐ- CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng và phù hợp Đề án tăng cường quản lý nhà nước đối với tổ chức hoạt động công chứng tại địa phương. Trong đó, cần lưu ý về tính minh bạch, khách quan; tính khả thi, ổn định; chất lượng nhân sự dự kiến; điều kiện cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin. Đảm bảo công tác xét duyệt hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng đúng quy định, khách quan, không để xảy ra sai phạm.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, xây dựng cơ sở dữ liệu về công chứng (đối với những địa phương chưa thực hiện) và ban hành quy chế khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu tại địa phương theo quy định tại Điều 62 Luật Công chứng, từng bước thực hiện việc liên thông cơ sở dữ liệu công chứng với cơ sở dữ liệu về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác có liên quan.

Bốn là, quan tâm, tạo điều kiện về nhân lực, kinh phí cho Sở Tư pháp để thực hiện chức năng tham mưu quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp nói chung và công chứng nói riêng; tạo điều kiện, hỗ trợ để tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên thực hiện tốt vai trò tự quản theo đúng quy định.

Sáu là, đề nghị các địa phương sớm ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng tại địa phương theo yêu cầu của Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng. Trong đó cần xác định định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên tại địa phương và các giải pháp quản lý nhà nước hiệu quả, đáp ứng nhu cầu công chứng của người dân, doanh nghiệp, kể cả những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Triển khai thực hiện văn bản số1246/BTP-BTTP của Bộ Tư pháp, ngày 12/4/2023 UBND tỉnh ban hành văn bản số 152/UBND-VP7 giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện những nội dung, nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng theo yêu cầu của Bộ Tư pháp tại văn bản trên; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án tăng cường quản lý nhà nước trong hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh trước ngày 28/4/2023; Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng.

An Na