Ninh Bình quan tâm chăm lo đời sống người lao động

Cập nhật: Thứ sáu, 06/01/2023

Những ảnh hưởng của dịch COVID-19 chưa qua hết, người lao động lại đối mặt với làn sóng cắt giảm lao động do doanh nghiệp phải thu hẹp, tạm dừng sản xuất. Những khó khăn chồng chất khiến đời sống của người lao động đối diện với không ít thách thức. Tuy nhiên, bằng các chính sách hỗ trợ đặc thù của tỉnh; các biện pháp hiệu quả nhằm kết nối việc làm từ ngành chức năng, cơ bản người lao động ở tỉnh ta vẫn đảm bảo được việc làm và ổn định đời sống.

Ninh Bình quan tâm chăm lo đời sống người lao động

Lao động được đảm bảo việc làm tại các doanh nghiệp.

"Trợ sức" người lao động bằng chính sách riêng

Nhằm chia sẻ khó khăn với người lao động, ngày 28/03/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (gọi tắt là Nghị quyết 08). Gói hỗ trợ vào khoảng 6.600 tỷ đồng.

Ngay khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định  08, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực, khẩn trương vào cuộc, phấn đấu để dòng tiền hỗ trợ sớm đến đúng đối tượng được thụ hưởng, góp phần cải thiện cuộc sống cho người lao động. Các địa phương đã hoàn thành công tác chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho 2.023 lao động, với số tiền trên 2.957,5 triệu đồng.

Đặc biệt, tỉnh ta cũng đã ban hành chính sách riêng để hỗ trợ người lao động đang ở trọ nhưng không thuộc đối tượng thụ hưởng của Quyết định số 08. 

Theo đó, căn cứ Điểm c Khoản 5 Điều 13 Quyết định số 08 quy định: "Căn cứ vào điều kiện và tình hình thực tế, UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh để quyết định các đối tượng được hỗ trợ khác ngoài các đối tượng quy định tại Điều 4, Điều 8 Quyết định này từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác", Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (gọi tắt là Nghị quyết số 23).

Theo Nghị quyết số 23, người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh ngoài khu công nghiệp có đủ các điều kiện như: ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 01/02/2022 đến ngày 30/06/2022; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trước ngày 30/06/2022; đang tham gia BHXH bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Mức hỗ trợ 500 nghìn/người/tháng, thời gian hỗ trợ không quá 3 tháng.

Kết quả, tỉnh ta đã thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho 538 người lao động làm việc các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp theo Nghị quyết số 23, với số tiền 771 triệu đồng.

Trước chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho những đối tượng người lao động không thuộc diện hỗ trợ của Ngân sách Trung ương, năm 2021, tỉnh Ninh Bình cũng đã từng triển khai một chính sách rất nhân văn - đó là hỗ trợ cho lao động không có giao kết hợp đồng lao động. 

Theo đó, nhằm hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, ngày 29/7/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (gọi tắt là Nghị quyết số 46). Theo đó, tỉnh ta đã thực hiện chi trả cho 5.189 người lao động, với số tiền 7,783 tỷ đồng. 

Tích cực kết nối việc làm 

Những chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà cho người nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Cùng với đó, tỉnh ta cũng xác định rõ, tạo việc làm cho người lao động là một trong những giải pháp căn cơ nhất góp phần đảm bảo an sinh xã hội. 

Thời gian qua, cùng với nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, tìm kiếm cơ hội việc làm cho người lao động.

Ninh Bình quan tâm chăm lo đời sống người lao động

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối việc làm cho người lao động.

Theo đó, bằng nhiều hình thức như: Tổ chức hàng chục hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyên truyền Đề án xuất khẩu lao động và Du học nghề tại các huyện, thành phố với sự tham dự của trên 3.000 đại biểu; kiểm tra công tác xuất khẩu lao động và du học nghề, công tác cập nhập thông tin cơ sở dữ liệu cung- cầu lao động năm 2022 tại các huyện, thành phố; chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường các hoạt động kết nối cung- cầu lao động và cung ứng nguồn nhân lực tham gia thị trường lao động, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến… 

Kết quả, trong năm 2022, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 20 nghìn lao động, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm, trong đó đưa 1.550 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Đặc biệt, qua rà soát  đến ngày 20/12/2022, tỉnh ta có 10.324 công nhân giảm giờ làm, mất việc làm tại 24/258 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn. Trong đó, 5 doanh nghiệp trong các KCN (7.688 lao động giảm giờ làm, 431 lao động mất việc làm tại các doanh nghiệp: Vienergy, mcnex, May Đài Loan, ADM21, AUSTDOOR Ninh Bình). 

Qua thu thập thông tin tuyển dụng từ các doanh nghiệp, hiện nay có nhu cầu tuyển gần 10.000 lao động, trong đó chủ yếu là lao động phổ thông. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nắm bắt cơ hội, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có nhu cầu để giới thiệu, ưu tiên tiếp nhận số lao động bị ảnh hưởng việc làm vào làm việc ở những vị trí phù hợp. 

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động, trong năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, đơn vị và doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về lĩnh vực lao động - tiền lương và bảo hiểm xã hội. 

Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện đúng các chính sách đối với người lao động, đảm bảo quan hệ lao động hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển các doanh nghiệp bền vững.

Đặc biệt, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang tới rất gần. Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đã và đang tích cực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát tình hình chấp hành pháp luật lao động của các doanh  nghiệp, nhất là việc thanh toán tiền lương, thưởng cuối năm, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động trong các tháng giáp Tết. 

Theo Baoninhbinh.org.vn