Người đến/về Ninh Bình phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

Cập nhật: Thứ sáu, 21/01/2022

Trước nhiều ý kiến về việc người dân đến, về Ninh Bình, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 âm tính mới được trở về gia đình, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch của Trung ương và của tỉnh, phóng viên Báo Ninh Bình có cuộc trao đổi nhanh với bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Ngọc Quý, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế xung quanh nội dung này:

 

Người đến/về Ninh Bình phải khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng.

Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, hiện nay, tại tỉnh Ninh Bình có quy định như thế nào đối với người từ các địa phương khác trở về tỉnh Ninh Bình nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022?

Bác sĩ Đoàn Ngọc Quý: Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh Ninh Bình không cấm và không hạn chế người dân đến Ninh Bình công tác, làm việc, về quê ăn Tết, sum họp gia đình ... 

Tuy nhiên, khi đến, về địa phương, người dân phải thực hiện khai báo y tế tại cơ sở y tế, mà cụ thể là Trạm y tế xã, phường, thị trấn tại địa phương và được lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc SARS-CoV-2 ngay từ ban đầu (bằng test nhanh kháng nguyên hoặc xét nghiệm PCR và có thể dùng kết quả xét nghiệm còn hiệu lực mà người dân đã thực hiện xét nghiệm trong vòng 48h trước) để được hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng, chống dịch.

PV: Sau khi đã khai báo y tế và có kết quả xét nghiệm, người dân cần thực hiện những biện pháp gì, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đoàn Ngọc Quý: Sau khi hoàn thành việc khai báo y tế và có kết quả xét nghiệm, thì tùy vào kết quả xét nghiệm và từng cấp độ vùng dịch theo quy định của Bộ Y tế, nhân viên y tế sẽ hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch phù hợp.

Cụ thể là: Khi có kết quả xét nghiệm dương tính, dù là trở về từ vùng dịch cấp độ nào cũng đều phải được đưa đi cách ly, điều trị theo quy định.

Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính, đối với người trở về từ vùng có cấp độ dịch 1, 2 thì người dân có thể về nhà/nơi lưu trú, tự theo dõi sức khỏe ít nhất 14 ngày và thực hiện 5K. 

 Đối với vùng cấp độ 3 - màu cam, thực hiện cách ly tại nhà tối thiểu 07 ngày tính từ ngày áp dụng biện pháp cách ly (nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 trở lên) hoặc 14 ngày (nếu chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19). 

Đối với vùng 4 - vùng cấp độ dịch màu đỏ, người dân phải thực hiện cách ly y tế tập trung và tùy vào số mũi vắc xin đã tiêm trước đó để thực hiện cách ly 7 ngày hay 14 ngày. 

Tuy nhiên hiện nay, thay vì cách ly y tế tập trung, người dân có thể được cách ly tại nhà nếu gia đình có đủ điều kiện về quy định cách ly y tế tại nhà (được chính quyền địa phương thẩm định đủ các điều kiện về phòng ở, cơ sở vật chất, người nhà hỗ trợ, chăm sóc...).

Trong quá trình cách ly hoặc theo dõi sức khỏe, nếu người dân có xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, đau người, mất khứu giác..., cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí.

PV: Thưa bác sĩ, hiện nay có một số thông tin cho rằng tỉnh Ninh Bình đang thực hiện chưa đúng các quy định về phòng chống dịch của Chính phủ và Bộ Y tế. Theo ông điều này có đúng?  

 Bác sĩ Đoàn Ngọc Quý: Tôi cho rằng, những thông tin đó là không chính xác. Trong quá trình thực hiện, ngành Y tế với trách nhiệm là cơ quan chuyên môn thường trực đã tham mưu cho tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế và trên cơ sở thực tế diễn biến dịch tại địa phương để có phương án phòng chống, ứng phó với dịch bệnh linh hoạt, an toàn.

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình đã gỡ bỏ các chốt kiểm soát dịch vào địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ra vào tỉnh. Việc yêu cầu thực hiện khai báo y tế đối với người dân khi đến/về địa phương là đúng với quy định của Bộ Y tế. 

Đồng thời, việc yêu cầu xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm sàng lọc ngay các ca bệnh (nếu có) trở khi về địa phương, từ đó chủ động trong công tác giám sát, khoanh vùng, hạn chế các ca bệnh và ổ dịch lây lan trong cộng đồng.

Trong việc xét nghiệm, hiện nay tại các Trạm y tế xã, phường trên địa bàn tỉnh chủ yếu là làm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các trường hợp từ tỉnh ngoài đến/về Ninh Bình. Không thực hiện xét nghiệm đối với những trường hợp đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 48h, những trường hợp có hộ khẩu tại Ninh Bình đi và trở về trong ngày.

PV: Trước thực tế số ca bệnh và ổ dịch trên địa bàn tỉnh vẫn tăng hàng ngày, bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân, nhất là trong dịp Tết nguyên đán tới đây để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch?

Bác sĩ Đoàn Ngọc Quý: Ngành Y tế cũng như UBND tỉnh Ninh Bình với quan điểm "đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", do đó đối với người dân về Ninh Bình công tác, làm việc hay về quê ăn Tết, sum họp gia đình... cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện nghiêm quy định 5K, hạn chế đi lại, đến những nơi tập trung đông người. 

 UBND tỉnh Ninh Bình cũng yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 hạn chế di chuyển khi không cần thiết để đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng như bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Mỗi người dân cần chủ động và quan tâm theo dõi sức khỏe của bản thân và gia đình. Khi có các triệu chứng bất thường như sốt, ho, khó thở, đau rát họng..., cần thông báo cho cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn .

Ngành Y tế cũng chỉ đạo các cơ sở y tế trong ngành, công khai các số điện thoại liên hệ để người dân có thể liên lạc, thông báo về tình hình dịch tễ của bản thân, gia đình hoặc nơi cư trú và được hướng dẫn, xử trí các bước trong quá trình phòng chống dịch.

theo baoninhbinh.org.vn