Ngành Y tế tỉnh Ninh Bình đáp ứng với dịch bệnh Đậu mùa khỉ

Cập nhật: Thứ hai, 05/09/2022

Bệnh Đậu mùa khỉ hiện nay vẫn tiếp tục có xu hướng gia tăng và lan rộng ra nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Tại Việt Nam hiện chưa ghi nhận ca bệnh xong thời gian tới hoàn toàn có thể ghi nhận ca bệnh do hoạt động lưu thông đi lại giữa các quốc gia được nới lỏng. Ninh Bình là tỉnh thuộc phía Nam đồng bằng Sông Hồng, có đầu mối giao thông Bắc - Nam đi qua, là trung tâm du lịch với lượng khách du lịch lớn, người dân đi học tập và lao động ở nước ngoài nhiều. 

Dự báo tình hình dịch bệnh Đậu mùa khỉ trong thời gian tới tiếp tục diễn biến phức tạp và cảnh báo nguy cơ dịch xuất hiện và lây lan tại Ninh Bình là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong bối cảnh tỉnh ta đang phải đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Covid- 19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa... cần chủ động kiểm soát phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ không để dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân.

Ngày 30/8/2022, Sở Y tế Ninh Bình ban hành Kế hoạch số 83/KH-SYT đáp ứng với dịch bệnh Đậu mùa khỉ của ngành Y tế nhằm phát hiện sớm trường hợp bệnh Đậu mùa khỉ; xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong do dịch bệnh. Đồng thời, phát hiện sớm trường hợp Đậu mùa khỉ đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng; tăng cường năng lực hệ thống giám sát, phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ tại các tuyến; chủ động sẵn sàng tổ chức điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời, an toàn hiệu quả, đảm bảo không để xảy ra lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế.

Các giải pháp chủ yếu đối với bệnh Đậu mùa khỉ đó là triển khai các biện pháp giám sát, tìm kiếm ca bệnh, xử lý ổ dịch: tăng cường thực hiện giám sát và báo cáo bệnh dựa vào sự kiện (EBS) tại các khoa điều trị, khám bệnh, các cơ sở y tế tư nhân và tại cộng đồng. Đặc biệt lưu ý các dấu hiệu nghi ngờ như: Đau đầu, sốt (> 38,5 độ C), nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược, có yếu tố dịch tễ trong vòng 21 ngày; chủ động giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh Đậu mùa khỉ.

Tăng cường năng lực công tác xét nghiệm: Duy trì hoạt động của hệ thống xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; đảm bảo tất cả các phòng xét nghiệm tại các TTYT tuyến huyện, bệnh viện luôn có đủ môi trường bảo quản bệnh phẩm có thể sẵn sàng lấy mẫu bệnh phẩm khi có ca nghi ngờ hoặc ca có thể theo hướng dẫn của Bộ Y tế; 100% đơn vị dự phòng tuyến huyện, bệnh viện có cán bộ xét nghiệm thực hiện được kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm theo đúng qui định.

Các giải pháp giảm tử vong: Nâng cao năng lực điều trị tại các bệnh viện đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh và sẵn sàng hỗ trợ cho tuyến dưới khi có yêu cầu; cập nhật phác đồ điều trị và phổ biến hướng dẫn điều trị tới các đơn vị tuyến dưới nhằm tăng cường năng lực chuyên môn cho nhân viên y tế trực tiếp tham gia công tác điều trị, phòng chống dịch của các bệnh viện, đặc biệt là chuyên ngành Truyền nhiễm, Hồi sức cấp cứu, Nhi, Kiểm soát nhiễm khuẩn; xây dựng cơ số dự trữ về trang thiết bị, thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện bảo hộ... phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, cách ly bệnh nhân.

Truyền thông, giáo dục sức khỏe: Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân để người dân không hoang mang và chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng như áp dụng các biện pháp bảo vệ, tăng cường vệ sinh cá nhân, hạn chế đến vùng có dịch; tuyên truyền bằng nhiều hình thức (tờ rời, truyền thanh, truyền hình...) đến các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm như khách nhập cảnh, người nước ngoài vào Ninh Bình cũng như tới những người Ninh Bình đi du lịch tới vùng có dịch; nâng cao năng lực của hệ thống cán bộ làm công tác truyền thông. Huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ; chủ trì xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ trên người của ngành Y tế Ninh Bình; phối hợp chặt chẽ với Sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Xem chi tiết Kế hoạch số 83/KH-SYT của Sở Y tế Ninh Bình tại đây.

CTV Lê Mùi