Nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở ở Ninh Bình

Cập nhật: Thứ hai, 29/08/2022

Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh tại tỉnh được kiểm soát tương đối tốt, không để xảy ra các dịch bệnh lớn trên địa bàn. Hàng năm, Sở Y tế Ninh Bình đã chủ động tham mưu UBND xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh ở người, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, tổ chức giám sát thường xuyên các ca bệnh truyền nhiễm, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, hóa chất và phương tiện phòng chống dịch để ứng phó khi có dịch xảy ra. Nhờ đó, hầu hết các bệnh truyền nhiễm được giám sát theo quy định có số ca mắc năm sau giảm so với năm trước đó. 

Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Ninh Bình đã thực hiện các biện pháp chống dịch sớm và có thời điểm còn thực hiện các biện pháp cao hơn quy định của Chính phủ, Bộ Y tế. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh là Chỉ huy trưởng; chuẩn bị sẵn sàng các phương án thành lập bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, triển khai mô hình Trạm Y tế lưu động tại các huyện, thành phố; phối hợp, tổ chức điều tra, giám sát, truy vết chặt chẽ các trường hợp mắc mới hoặc nghi ngờ mắc; phối hợp rà soát những người có nguy cơ cao, tổ chức cách ly, lấy mẫu xét nghiệm người tiếp xúc gần, theo dõi sức khỏe những người trong diện cách ly; tổ chức Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 với độ bao phủ rộng, tốc độ nhanh, đảm bảo an toàn; nhờ đó, khống chế được số ca mắc mới tăng nhanh; năm 2022, để thích ứng kịp thời với chính sách “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, ngành Y tế đã mở rộng, tăng cường năng lực các cơ sở cách ly, điều trị Covid-19, hạn chế số ca tử vong do covid-19, tỷ lệ tử vong thấp hơn so với toàn quốc.

Công tác tiêm chủng mở rộng trên địa bàn tỉnh được duy trì thường xuyên, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, không để xảy ra tai biến nặng sau tiêm. Từ năm 2017-2021, ngành Y tế Ninh Bình luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu về tiêm chủng mở rộng do tỉnh giao. Năm 2017 đạt 96,3%, năm 2018 đạt 97,8%, năm 2019 đạt 97,5%, năm 2020 đạt 97,1%, năm 2021 đạt 96,8% (chỉ tiêu giao >95%).

Đối với triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19 diện rộng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, tính đến hết ngày 18/8/2022, tỷ lệ tiêm vắc xin cho người trên 18 tuổi: mũi 1 đạt 99,86%, mũi 2 đạt 99,28%, mũi 3 đạt 92,43%, mũi 4 đạt 66,2%; tỷ lệ tiêm cho nhóm 12-17 tuổi: mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 99,48%, mũi 3 đạt 66,88%; tỷ lệ tiêm cho nhóm từ 5 đến dưới 12 tuổi: mũi 1 đạt 78,26%, mũi 2 đạt 43%.

Thực hiện Quyết định số 2348/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới Y tế cơ sở trong tình hình mới, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 87/KH-UBND ngày 25/8/2017, trong đó chú trọng phát triển y tế cơ sở (tuyến xã) hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Trong những năm qua, Sở Y tế tập trung đẩy mạnh chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở, đảm bảo số lượng y, bác sỹ các chuyên ngành ở tuyến huyện, phòng khám, trạm y tế nhằm tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh và phòng bệnh cho nhân dân; đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ y tế; tập trung đào tạo, thu hút nhân lực y tế có trình độ đại học, sau đại học công tác ở tuyến cơ sở; cán bộ có trình độ trung cấp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dược từng bước được chuẩn hóa trình độ cao đẳng; đội ngũ cán bộ lãnh đạo đương chức và dự nguồn được tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, lý luận chính trị. Đến nay, hầu hết các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đạt từ 75% trở lên danh mục trang thiết bị theo quy định của Bộ Y tế, đa số các Trạm Y tế tuyến xã đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng để đạt quy chuẩn thiết kế theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Số xã đạt Tiêu chí quốc gia về Y tế giai đoạn đến năm 2021 là 142/143 số xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh (chiếm 99,3%, chỉ tiêu giao đến năm 2020 là 80%).

Cùng với đầu tư các nguồn lực, Sở Y tế cũng tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác chuyên môn: đẩy mạnh thực hiện dịch vụ kỹ thuật trong “Gói dịch vụ y tế cơ bản” cho tuyến y tế cơ sở kèm theo Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 13/10/2017 của Bộ Y tế, tích cực triển khai công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với 96,5% số Trạm Y tế đủ điều kiện; tăng cường công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại với tỷ lệ đạt trên 40% trong tổng số khám, điều trị tại tuyến xã; việc triển khai các hoạt động phòng, chống và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở được quan tâm; hoạt động phòng, chống dịch bệnh được chú trọng; công tác ứng dụng công nghệ thông tin là 1 trong những “điểm sáng” tại tuyến y tế cơ sở với 100% Trạm Y tế xã đã có máy tính kết nối Internet và thực hiện các phần mềm quản lý y tế như: phần mềm y tế cơ sở, hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm, ..

Đặc biệt những năm gần đây, công tác ứng dụng công nghệ thông tin được tỉnh tăng cường, chú trọng ứng dụng các phần mềm trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, làm giảm thời gian chờ đợi thực hiện các dịch vụ y tế của người dân. Tại tuyến tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý cũng như trích chuyển dữ liệu đến cổng tiếp nhận dữ liệu của Bộ Y tế và cổng tiếp nhận dữ liệu của cơ quan BHXH, đến nay các đơn vị đã thực hiện tốt và đáp ứng yêu cầu; Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai hệ thống PACS để lưu trữ và truyền tải hình ảnh cận lâm sàng, người bệnh không phải chờ đợi để lấy kết quả; triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng chữ ký số rộng rãi trong toàn ngành, từ việc triển khai nhỏ lẻ ở một số nội dung và một số đơn vị, đến nay, 100% đơn vị trực thuộc và 100% các phòng chức năng thuộc Sở đã thực hiện ứng dụng chữ ký số trong gửi, nhận văn bản; duy trì, nâng cấp Trang thông tin điện tử (Website) của Sở Y tế, liên kết thủ tục hành chính từ Website đến hệ thống một cửa của tỉnh, đẩy mạnh hoạt động của Website, với việc thường xuyên cập nhật thông tin, Website của Sở Y tế đã thu hút được nhiều người dân truy cập, sử dụng với hơn 1 triệu lượt người truy cập/năm.

Trong giai đoạn dịch Covid-19, ngành Y tế tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào các hoạt động chuyên môn, hạn chế những ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân: triển khai nhân rộng mô hình ứng dụng lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân tại tất cả các huyện, thành phố, đến nay đã có trên 15% dân số có hồ sơ đầy đủ thông tin theo Quyết định số 831/QĐ-BYT của Bộ Y tế; bước đầu triển khai ứng dụng tiếp đón người bệnh bảo hiểm y tế bằng ứng dụng phần mềm VssID; kết nối hội chẩn từ xa và đào tạo trực tuyến với các bệnh viện hạt nhân trung ương; triển khai mạnh mẽ các ứng dụng PC Covid: đánh giá công khai mức độ dịch, quét mã QR và phần mềm PC-COVID, tiêm chủng Covid-19.

CTV Ngọc Quý