Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó bởi xung đột Nga - Ukraine

Cập nhật: Thứ ba, 15/03/2022

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây xáo trộn cho hoạt động xuất nhập khẩu từ các thị trường này của Việt Nam. Các ngành liên quan cùng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tìm phương án ứng phó.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó bởi xung đột Nga - Ukraine

Chế biến nông sản xuất khẩu tại Công ty CP Thực phẩm Á Châu (thành phố Tam Điệp).

Hàng hóa phải quay đầu

Công ty TNHH Chế biến nông sản xuất khẩu VINASAM (chợ Dầu, huyện Yên Khánh) chuyên chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu như dưa chuột, dứa… sang thị trường Nga. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của Công ty sang thị trường này là gần 2,2 triệu USD. Xung đột Nga - Ukraine nổ ra, ngay lập tức tác động xấu đến hoạt động của Công ty. 

Ông Đỗ Viết Trường, Giám đốc Công ty cho biết: Các khách Nga đã dừng đặt đơn hàng mới. Với các đơn cũ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi dù là mặt hàng thiết yếu nhưng việc vận chuyển vẫn bị cản trở, có vùng bị cấm. Trong khi thanh toán gặp khó vì Nga bị loại ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, đồng Rub mất giá. 

Hiện tại Nhà máy của chúng tôi đang hoạt động cầm chừng, một phần nguyên liệu trên Lào Cai bị ứ đọng. Chúng tôi đang theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn, đồng thời tìm các đối tác ở các thị trường khác như Trung Á, Singapo, Đài Loan. Tuy nhiên khó mà bù đắp lại được vì sức mua của thị trường Nga, Ukraine quá lớn. 

Cũng trong tình trạng tương tự, khoảng nửa tháng nay, Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh đã phải ngưng sản xuất. Ngoài lý do về dịch bệnh COVID-19 thì nguyên nhân chính là bởi ảnh hưởng của chiến sự Nga - Ukraine. Đã có đơn hàng xuất khẩu của Công ty đi Ukraina phải quay đầu.

Ông Nguyễn Trương Nghĩa, Giám đốc Công ty cho biết: Mới đây chúng tôi đã phải đề nghị Hải quan hỗ trợ hủy tờ khai xuất khẩu đi Ukraine bởi xung đột Nga và Ukraine nên hãng tàu đã hủy vận chuyển hàng hóa. Chẳng những thế, một số đơn hàng đã xuất đi rồi nhưng tiền thanh toán vẫn bị kẹt bên đấy. Mặc dù đầu năm chúng tôi cũng đã chủ động tìm kiếm thị trường mới, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Nga, Ukraine nhưng do tình hình diễn biến quá nhanh nên Công ty vẫn không kịp trở tay. 

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác của Ninh Bình cũng bị ảnh hưởng xấu do xung đột Nga - Ukraine, đặc biệt các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cho xuất và nhập khẩu (các hãng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga, tăng chi phí vận chuyển), nhu cầu giảm ở Nga, Ukraine và các nước liên quan. 

Năm 2021, Ninh Bình xuất khẩu sang Nga gần 20 triệu USD. Chủ yếu là hàng nông sản, may mặc, giày da. Trong đó, đáng kể nhất là Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh 2,6 triệu USD; Công ty cổ phần May Văn Phú 6,6 triệu USD; Công ty TNHH sản xuất Giày Chung Jye Ninh Bình - Việt Nam gần 2,2 triệu USD… Khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác. 

Theo Chi cục Hải quan Ninh Bình, từ cuối tháng 2 đến nay, chỉ có Công ty cổ phần thực phẩm Á Châu và Công ty cổ phần Chế biến nông sản Việt Xanh xuất được hàng với tổng kim ngạch 185.997 USD. 

Cần giải pháp ổn định hoạt động xuất khẩu

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Hải quan Ninh Bình cho biết: Thời gian qua, do ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Ninh Bình nói riêng không thể đưa vào Nga, Ukraine và một số quốc gia Đông Âu. Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan Hà Nam Ninh, chúng tôi đã kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp làm thủ tục xuất khẩu nhưng phải đưa hàng hóa trở lại Việt Nam hoặc thay đổi đối tác nhập khẩu.

Theo đó, đối với trường hợp hàng hóa đã đăng ký tờ khai hải quan nhưng không thể thực hiện tiếp thủ tục xuất khẩu, khi doanh nghiệp đề nghị hủy tờ khai để đưa hàng hóa trở lại nội địa, Chi cục hướng dẫn doanh nghiệp và nhanh chóng thực hiện hủy tờ khai theo quy định. 

Trường hợp hàng hóa đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu nhưng phải tái nhập trở lại, Chi cục hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, không yêu cầu người khai hải quan phải nộp giấy phép, hoặc văn bản thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành; giải quyết thủ tục không thu thuế nếu tại thời điểm làm thủ tục tái nhập người khai hải quan nộp đủ bộ hồ sơ không thu thuế theo quy định. 

Trường hợp hàng hóa đã được đăng ký tờ khai hải quan nhưng thay đổi đối tác nhập khẩu (kể cả trường hợp đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu, hàng hóa đã vận chuyển đến nước nhập khẩu) nếu đối tác nước ngoài từ chối nhận hàng và doanh nghiệp Việt Nam đề nghị được thay đổi đối tác nhập khẩu, Chi cục hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục khai sửa đổi, bổ sung thông tin tờ khai và nộp, xuất trình các chứng từ chứng minh việc sửa đổi, bổ sung theo quy định. Chúng tôi cam kết tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, đảm bảo thông quan nhanh chóng, giảm bớt chi phí phát sinh. 

Những xáo trộn của thị trường được dự báo sẽ diễn ra trong cả ngắn hạn và dài hạn. Trước tình hình đó, thiết nghĩ, địa phương, các ngành chức năng cần thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình, từ đó có những cảnh báo sớm và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại có thể xảy ra, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp. 

Việc sản xuất, xuất khẩu có ổn định thì việc làm của hàng nghìn công nhân ở các nhà máy, cũng như hoạt động sản xuất, trồng trọt của nông dân vùng cung cấp nguyên liệu cho các công ty mới được đảm bảo. 

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại giá dứa tại vùng nguyên liệu dứa ở thành phố Tam Điệp, huyện Nho Quan đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại, thậm chí giảm. Trong khi giá thành phân bón, lao động, vận chuyển đang tăng. Đây là những thách thức rất lớn cần sự chủ động của doanh nghiệp và sự vào cuộc xử lý của các ngành có liên quan. 

Theo Baoninhbinh.org.vn