Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp

Cập nhật: Thứ sáu, 16/09/2022

Sáng 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hội nghị được thực hiện trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 705 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trong cả nước. 

Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, lãnh đạo các ban, Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực viễn thông.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị

 Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí: Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình

Báo cáo tình hình công tác cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025 nêu rõ, để hiện thực hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các chương trình, chiến lược quan trọng quốc gia về cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành.

 

Nhiều Chương trình cải cách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, như Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021), trong đó yêu cầu cải cách quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả quy định TTHC liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện dịch vụ mọi lúc, mọi nơi, trên các phương tiện khác nhau.

Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 (Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020) được ban hành với quan điểm lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm. Chương trình đặt ra mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định, 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh và sớm đưa vào vận hành Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình

Chính phủ cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết. Giao VPCP chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất phương án phân cấp các TTHC cụ thể để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực thi các phương án phân cấp được phê duyệt. 

Bên cạnh đó, tập trung thực hiện rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025 để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

Triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh như: Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định của 9 bộ, cơ quan. Theo đó, các bộ, cơ quan này sẽ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung 188 văn bản quy phạm pháp luật.

Sau quá trình xây dựng, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh được đưa vào vận hành. Đây là công cụ kỹ thuật số hỗ trợ cải cách, nơi tập trung thông tin, dữ liệu các quy định kinh doanh, phương án cắt giảm, đơn giản hóa đáp ứng nhu cầu tra cứu, tìm kiếm, theo dõi, đánh giá và là kênh tương tác trực tuyến giữa các bộ, ngành với các hiệp hội, doanh nghiệp trong tham vấn chính sách, quy định.

Đến nay, tại Cổng tham vấn đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành, 352 quy định dự kiến ban hành trong 9 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh để tham vấn các hiệp hội, doanh nghiệp và theo dõi quá trình thực thi các phương án cải cách.

Văn phòng Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13.47%), theo đó sẽ sửa đổi, bổ sung 232 văn bản. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các phương án phân cấp và tổ chức thực thi trong giai đoạn 2022-2025, sẽ giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC của cơ quan hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức; đồng thời, giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.

 

VPCP đã chủ trì, cùng các bộ, ngành, địa phương xây dựng, trình Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022-2025. 

Theo đó, sẽ tập trung rà soát, đơn giản hóa đối với 59 TTTH/nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực gồm: Quản lý ngân sách nhà nước; tài sản công; quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai, tài nguyên; quản lý đầu tư công; quản lý, sử dụng vỗn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức chính quyền địa phương; thi đua, khen thưởng; quản lý đất đai; quản lý điều hành chính sách điện năng; giao thông đường bộ.

Việc đơn giản hóa TTHC nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước sẽ giúp phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan trong thực thi công vụ, nêu cao trách giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra, trên cơ sở quản lý rủi ro, tính tuân thủ của doanh nghiệp. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã triển khai áp dụng, phấn đấu trong năm 2023 sẽ hoàn thành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống một cửa các cấp.

 

Để hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, các nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng của Chính phủ điện tử để phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục được vận hành, phát triển, góp phần đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc, chuyển đổi số trong nội khối cơ quan hành chính nhà nước.

Đến nay, việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các cơ quan hành chính nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương đã được triển khai theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp rút ngắn thời gian xử lý, giảm giấy tờ, bảo đảm công khai, minh bạch.

Trong 8 tháng năm 2022, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia là trên 3,56 triệu văn bản. Tính đến nay đã có hơn 14,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông, trung bình có khoảng 550.000 văn bản/tháng. Theo số liệu cung cấp của các bộ, ngành, địa phương 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử 4 cấp hành chính.

Việc xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đã được triển khai quyết liệt tại nhiều bộ, ngành, địa phương trong đó có tỉnh Ninh Bình góp phần tiết giảm chi phí và thời gian xử lý, nâng cao năng suất lao động, tăng cường công khai, minh bạch, cá thể trách nhiệm đơn vị, cá nhân trong giải quyết công việc.

 

Qua gần 2 năm triển khai, các hệ thống đã hoạt động liên tục, thông suốt, với 28.000 cán bộ, công chức trên toàn quốc tham gia vận hành, sử dụng hàng ngày, thực hiện các chế độ báo cáo định kỳ, cung cấp các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, báo cáo hàng ngày trên Hệ thống.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tị hạn chế thuộc những lĩnh vực liên quan đến đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, hộ khẩu, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu… còn nhiều rào cản, quy định chồng chéo, phân cấp, phân quyền chưa đầy đủ, rõ ràng, gây bức xúc trong xã hội.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, thời gian tới cần tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ giai đoạn 2022-2025 để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

 

Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc mới của Chính phủ, trong đó, tập trung ưu tiên triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; thực hiện đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu và theo thời gian thực tại bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện đánh giá nỗ lực cải cách quy định kinh doanh, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công bằng dữ liệu và theo thời gian thực tại bộ, ngành, địa phương.

Tiếp tục đổi mới thực hiện cơ chế “một cửa, một cửa liên thông”, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Hiện đại hoá phương thức chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng; đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông. Đổi mới tư duy, phương pháp tiếp cận, cách thức chỉ đạo, điều hành cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa; tranh thủ thời cơ, thúc đẩy yêu cầu nhiệm vụ CCHC sát với nhiệm vụ chính trị chung, xoá bỏ lợi ích nhóm, huy động mọi nguồn lực để thực hiện với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực để cải cách TTHC, lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá kết quả thực hiện; cần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo khách quan; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; khuyến khích bảo vệ người dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung; khai tác, sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin chung; cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục kinh doanh; trong quá trình thực thi cần xin ý kiến doanh nghiệp, người dân; tổ chức triển khai thực hiện xã hội hoá trong tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước; phấn đấu hoàn thành đúng hạn các hồ sơ thủ tục hành chính từ 90% trở lên, mỗi gia đình có ít nhất 1 thành viên biết thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 

 

Kim Duyên