Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia

Cập nhật: Thứ ba, 27/09/2022

Sáng nay 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng tham dự cuộc họp tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ hết sức quan trọng, góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, các bộ, ngành, góp phần phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Ngay từ đầu năm, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hết sức quyết liệt, sâu sát với việc ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến toàn quốc, cuộc họp; thành lập 6 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công và gần đây đã ban hành Nghị quyết số 124/NĐ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022.

Chính phủ cũng xác định "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không" trong chỉ đạo, điều hành, trong đó "2 đẩy mạnh" là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công.

 

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia - Ảnh 2.

 

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Trung ương 

Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 chưa được cải thiện nhiều, nhiều cơ quan, địa phương giải ngân chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra, làm ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; mặt khác, vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công cũng là vấn đề kéo dài nhiều năm. Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt, điểm nghẽn; nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các dự án chậm, triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm; đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, khâu chuẩn bị, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán, quyết toán; làm rõ trách nhiệm để chậm trễ giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; chia sẻ những mô hình, các làm hay, sáng tạo; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến hết năm 2022 bảo đảm tổ chức thực hiện thiết thực, hiệu quả, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc. 

Theo các báo cáo, qua 9 tháng năm 2022, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 46,7%; chưa có nhiều chuyển biến tích cực; còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chưa phát huy tốt vai trò động lực quan trọng của đầu tư công, nhất là trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và hoàn thành các mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra.

Hình ảnh tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình

Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình. Cùng dự tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ KHĐT đã báo cáo kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022.

Kế hoạch đầu tư công năm 2022 nguồn vốn NSNN, tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn là 5.060,470 tỷ đồng; trong đó: Vốn NSTW là 1.742,404 tỷ đồng; Vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực: 1.353,073 tỷ đồng; Vốn thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: 73,26 tỷ đồng; Vốn nước ngoài: 316,071 tỷ đồng; Vốn NSĐP là 3.318,066 tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, ước đến hết ngày 30/9/2022, tổng số vốn đầu tư công đã giải ngân đạt 3.926,262 tỷ đồng, bằng 77,6% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, đứng thứ 5/63 tỉnh thành về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng năm 2022; chi tiết từng nguồn vốn như sau:

Vốn Ngân sách Trung ương đầu tư theo ngành, lĩnh vực (vốn trong nước): Số vốn đã giao chi tiết là 1.353,073 tỷ đồng, trong đó Thu hồi vốn ứng trước là 304,750 tỷ đồng cho 04 dự án, triển khai thực hiện là 1.048,323 tỷ đồng cho 12 công trình, dự án. Tổng số vốn giải ngân đạt 926,262 tỷ đồng, bằng 53,2% kế hoạch vốn.

Vốn Ngân sách Trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (vốn trong nước): Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn NSTW thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho tỉnh Ninh Bình với số vốn là 73,260 tỷ đồng và đã được HĐND tỉnh thông qua phương án phân bổ tại Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 29/8/2022 và UBND tỉnh giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 tại Quyết định số 798/QĐ-UBND ngày 20/9/2022.

Đối với vốn nước ngoài: thực hiện bố trí cho 04 dự án. Đến nay, tổng số vốn giải ngân đạt 76,262 tỷ đồng bằng 24,1% kế hoạch vốn.

Đối với vốn cân đối ngân sách địa phương, tổng số vốn giải ngân đạt 3.000 tỷ đồng, bằng 90,4% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ tỉnh giao.

Phát biểu chỉ đạo sau khi hội nghị trực tuyến kết thúc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát lại các nguồn vốn, các dự án, đặc biệt là các dự án chấm tiến độ, trong đó huyện Yên Mô 02 dự án; huyện Gia Viễn 02 dự án trạm bơm…28% nguồn vốn còn lại là khó khăn nếu không quyết tâm thì không thể giải ngân được, các đơn vị, địa phương xem vướng mắc, khó khăn ở đau thì phối hợp tháo gỡ; chuẩn bị cho năm 2023 những dự án không có khả năng thì sẽ không bố trí vốn.

Kim Duyên