Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022

Cập nhật: Thứ sáu, 01/07/2022

Sáng 30/6, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 -2022 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến các điểm cầu bộ, ngành và các địa phương.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hà Nội). 

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chủ trì hội nghị tại điểm cầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Hà Nội). 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Ninh Bình.

 Đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tỉnh ủy Ninh Bình. Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; thủ trưởng các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh. 

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thành phố trong tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu Tỉnh ủy Ninh Bình.

 Báo cáo tóm tắt tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 và các tham luận tại hội nghị đều khẳng định: Thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 5, khóa XI, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Nổi bật là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực đã có sự kết hợp giữa xử lý hành chính, xử lý kỷ luật của Đảng, của Nhà nước, của đoàn thể với xử lý hình sự; kỷ luật của Đảng được thực hiện trước, mở đường, tạo điều kiện cho kỷ luật của Nhà nước, kỷ luật của đoàn thể và xử lý hình sự, rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. 

Trong 10 năm qua, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên (tăng 16.100 đảng viên so với 10 năm trước), trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng hoặc liên quan đến tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng. 

Các cơ quan tiến hành tố tụng trong cả nước cũng đã khởi tố, điều tra hơn 19.500 vụ án, gần 33.900 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ; trong đó có gần 2.700 vụ án và hơn 5.800 bị can về tội tham nhũng. Riêng Ban Chỉ đạo, từ khi thành lập đến nay, đã đưa 977 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ.

Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ, việc tồn đọng từ nhiều năm trước và các vụ án xảy ra trong ngành, lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, bí mật, được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, cả khu vực công và khu vực tư, đã được tập trung chỉ đạo điều tra, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi; xử lý nghiêm minh, công khai cán bộ sai phạm liên quan các vụ án, có tác dụng rất lớn trong việc cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. 

Công tác thu hồi tài sản tham nhũng có chuyển biến tích cực, cơ quan thi hành án dân sự các cấp đã thu hồi 61 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34,7% (năm 2013, tỷ lệ này chỉ đạt dưới 10%); riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã thu hồi được gần 50 ngàn tỷ đồng, đạt tỷ lệ 41,3%. Kết quả đạt được thời gian qua đã khẳng định những mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là chủ trương thành lập Ban chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban là hoàn toàn đúng đắn, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cùng với làm rõ hơn những kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém,  nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề xuất thêm mốt số nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới. Hội nghị cũng thể hiện sự thống nhất cao về nhận thức và hành động, triển khai có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của Ban chỉ đạo cấp tỉnh.

T

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu kết luận hội nghị

 Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực nhấn mạnh ý nghĩa tầm quan trọng của hội nghị, khẳng định: Phát huy kết quả và những kinh nghiệm của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng ở những giai đoạn trước, trong 10 năm gần đây, từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực lan tỏa mạnh mẽ toàn xã hội và thực sự đã trở thành phong trào xu thế không thể đảo ngược. Tham nhũng đã từng bước được kiềm chế, ngăn chặn góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với Đảng và Nhà nước ta. 

Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế đồng thời nêu các bài học kinh nghiệm, vấn đề cốt yếu cả lý luận và thực tiễn để đẩy mạnh công tác này trong đó cần phải nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, để từ đó có quyết tâm chính trị cao, biện pháp rất trúng đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng mà trực tiếp thường xuyên của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị; phải kết hợp chặt chẽ giữ tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý kịp thời, đồng bộ nghiêm minh các hành vi tham nhũng; kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực Nhà nước; các giải pháp phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, với truyền thống văn hóa của dân tộc, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài đồng thời xây dựng được văn hóa công vụ của mỗi cơ quan đơn vị.

Nhấn mạnh lại một lần nữa  những mục tiêu, nhiệm vụ về phòng chống tham, nhũng tiêu cực nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư đề nghị trong thời gian tới phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục tuyên truyền, văn hóa tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế xã hội và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những hạn chế bật cập, bịt kín những khoảng trống, kẽ hỡ để không thể tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đẩy mạnh điều tra, truy tố xét xử, thi hành án, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, ngăn chặn có hiệu quả tệ tham nhũng vặt, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ quyền hạn, cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất ,năng lực, uy tín ngàng tầm nhiệm vụ mới; Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trước hết là các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và các cơ quan Nội chính từ Trung ương đến địa phương. 

Từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư tin tưởng, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt được nhiều kết quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ được ngăn chặn đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của Nhân dân. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, biện pháp phải đúng, góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có hiệu quả, rõ ràng cụ thể.

Cuối cùng, Tổng Bí thư mong muốn tất cả các cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến địa phương, những cán bộ “rường cột” của Đảng và Nhà nước, những “Bao Công của thời đại ngày nay”, hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, nhất là tập trung chỉ đạo cụ thể hoá, thể chế hoá, hiện thực hoá các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị mình, góp phần vào việc xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, lối sống, được nhân dân tin yêu, mến phục, lãnh đạo và tổ chức thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Theo nbtv.vn