Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 4-8/12/2023

Cập nhật: Thứ hai, 11/12/2023

(Chinhphu.vn) - Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết và Lễ hội xuân 2024; ngăn chặn vận chuyển trái phép động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm; phê duyệt Quy hoạch 5 tỉnh, thành phố;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 4-8/12/2023.    

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 4-8/12/2023- Ảnh 1.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết và Lễ hội xuân 2024 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 5/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều, dừng, đỗ trái phép, quay đầu xe, tránh, vượt không đúng quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, không nhường đường cho xe ưu tiên, đi vào làn dừng khẩn cấp...; ngăn chặn các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng; vi phạm khi qua đường ngang; chở quá vạch dấu mớn nước an toàn; phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm an toàn kỹ thuật; không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; không có giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các loại phương tiện chở quá số người quy định...; phối hợp bảo đảm an toàn giao thông tại bến khách ngang sông, bến tàu khách du lịch, các tuyến, luồng đường thủy, nhất là các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo, các tuyến sông và vùng nước có tổ chức lễ hội.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các Sở Giao thông vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Tết, chú trọng đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sân Nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; giảm thiểu tình trạng chậm, huỷ chuyến; không để hành khách không kịp về quê ăn Tết do thiếu phương tiện; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng xe dù, bến cóc và tăng giá vé trái quy định. 

Ngăn chặn vận chuyển trái phép động vật, kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm nguồn cung thực phẩm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 6/12/2023 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm. 

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu căn cứ tình hình cụ thể tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với lực lượng làm công tác Thú y, Công an, Thanh tra giao thông lập các chốt kiểm soát, tổ kiểm soát lưu động để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng, Ủy ban nhân dân các cấp thành lập các đoàn kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng để chủ động chỉ đạo các biện pháp phù hợp, tổ chức ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả và xử lý nghiêm những sai phạm trong buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và tiêm vaccine.

Phê duyệt Quy hoạch 6 tỉnh, thành phố

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký các quyết định phê duyệt Quy hoạch các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Hải Phòng, Lai Châu, Phú Thọ, Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Theo đó, mục tiêu phát triển đến năm 2030, thành phố Cần Thơ là cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long; thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Tây Đô; là trung tâm đô thị, trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ thích ứng với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu kết nối nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế. Cần Thơ phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7,5% đến 8%; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 220 triệu đồng.

Mục tiêu đến năm 2030, Hậu Giang trở thành tỉnh công nghiệp đạt mức khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ; có các vùng động lực về kinh tế, công nghiệp, đô thị hiện đại; các giá trị văn hóa, lịch sử được bảo tồn và phát huy; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 8,7%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 150 triệu đồng/năm.

Về kinh tế, tỷ trọng đóng góp GRDP của thành phố Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 6,8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 tăng khoảng 13,5%/năm, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm, xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 558 triệu đồng tương đương khoảng 21.700 USD.

Tỉnh Lai Châu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9% - 11% trong đó: Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng khoảng 5,0%/năm; ngành công nghiệp, xây dựng tăng khoảng 13,6%/năm; ngành dịch vụ tăng khoảng 7,9%/năm. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 116,6 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.266 USD theo giá hiện hành).

Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt từ 10,5%/năm trở lên. GRDP bình quân theo đầu người năm 2030 đạt 6.000 - 6.200 USD.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm kinh tế, văn hóa năng động của khu vực phía Bắc; một trong những cực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, kết nối chặt chẽ với Thủ đô Hà Nội; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 346,6 triệu đồng/người. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 42 tỷ USD.

Nghiên cứu tầm quan trọng của giao thông, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao trong việc phát triển đô thị

Tại văn bản 502/TB-VPCP ngày 4/12/2023 thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Phó Thủ tướng chỉ đạo, quá trình triển khai nghiên cứu tiếp theo, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, làm sâu sắc thêm các nội dung.

Trong đó, về tầm quan trọng của giao thông, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao trong việc phát triển đô thị theo định hướng gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu giải pháp khai thác mô hình này.

Về hướng tuyến đường sắt tốc độ cao: Nghiên cứu sử dụng hiệu quả các giải pháp công trình cầu, hầm để đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể, đảm bảo khả năng thoát lũ, hạn chế ảnh hưởng đến các khu bảo tồn và chia cắt cộng đồng; xem xét phương án bố trí điểm đầu, điểm cuối tuyến tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về tổng mức đầu tư: Do dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật - công nghệ, thời gian thực hiện dài (trên 10 năm) nên cần làm rõ việc tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ là ước tính ban đầu, số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước tiếp theo khi đủ điều kiện, tránh hiểu nhầm trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án tăng trong giai đoạn triển khai.

Về nguồn vốn: Bố trí nguồn vốn trong giai đoạn đầu; giai đoạn sau nghiên cứu kết hợp nguồn thu từ giá trị gia tăng phát triển đô thị, kêu gọi xã hội hóa, thu hút vốn tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe để kinh doanh vận tải và trả phí cho Nhà nước.

Phát triển nguồn nhân lực phải đi trước một bước. Căn cứ nhu cầu, dự tính số lượng lao động chất lượng cao (tự động hóa, chế tạo máy, chuyển đổi số...), nhân viên kỹ thuật trình cấp có thẩm quyền giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện.

Tỉnh Thanh Hóa cần thực hiện tốt "3 thông"

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo 504/TB-VPCP ngày 5/12/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt "3 thông", gồm cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý, sắp xếp, điều hành thông minh; tập trung 03 khâu đột phá về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực cho phát triển; thực hiện phân cấp, phân quyền và đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, không trông chờ, ỷ lại "Không lạc quan khi tình hình thuận lợi, đừng bi quan khi tình hình khó khăn, thách thức"; phải luôn ghi nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa "Tỉnh Thanh Hóa theo tôi mong muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt".

Thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng số. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; rà soát, kiên quyết cắt giảm, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục hành chính, nhất là thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, môi trường. Triển khai các giải pháp quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường. 

Đầu tư nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Liên Khương

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 503/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc về tình hình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế của Tỉnh. 

Trong đó, cảng hàng không Liên Khương đã được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, với quy mô cấp 4E, công suất 5 triệu hành khách/năm (giai đoạn 2021 - 2030) và 7 triệu hành khách/năm (định hướng đến năm 2050).

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương phê duyệt quy hoạch chi tiết; phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thực hiện đầu tư nâng cấp trên cơ sở căn cứ nhu cầu và Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài

Tại văn bản số 9606/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư; chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương đẩy nhanh xử lý các thủ tục về đầu tư kinh doanh; triển khai các dịch vụ hành chính công điện tử cho các nhà đầu tư.

Đồng thời, rà soát, chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng, đất đai, hạ tầng, lao động, năng lượng... để sẵn sàng đón nhận dòng vốn đầu tư dịch chuyển, tái định vị sản xuất; rà soát các khu công nghiệp để chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng đón làn sóng đầu tư nước ngoài. Đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ (điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, viễn thông, logistic...) để tạo ưu thế cạnh tranh thu hút đầu tư trong dài hạn. 

Theo Chinhphu.vn