Bạo lực học đường: Không thể thờ ơ, vô cảm!

Cập nhật: Thứ ba, 25/04/2023

Gia đình, nhà trường, xã hội vẫn luôn là “chiếc kiềng 3 chân” vững chãi bảo vệ chính con em, học sinh, công dân của mình trước những vụ bạo lực học đường. Nếu không thờ ơ, vô cảm, không “tặc lưỡi” cho qua, coi là việc của con trẻ thì sẽ không có những vụ bạo lực học đường gây nhói lòng và để lại những hậu quả xót xa.    

Bài 1: Hằn sâu nỗi đau thể xác và tinh thần suốt cuộc đời

Những vụ bạo lực học đường không chỉ để lại nỗi đau thể xác mà còn cả về tinh thần, sẽ mãi là những ký ức buồn, ám ảnh, hằn sâu trong suốt cuộc đời của các em học sinh; thậm chí tồi tệ hơn không ít vụ bạo lực học đường đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội.

Bạo lực học đường: Không thể thờ ơ, vô cảm! - Ảnh 1.

Hình ảnh hai em học sinh của một trường tiểu học đánh nhau và các bạn trong lớp ngồi xem được cắt ra từ clip do độc giả của Cổng Thổng tin điện tử gửi đến qua hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn

Những ngày gần đây, hòm thư thongtinchinhphu@chinhphu.vn của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ liên tục nhận được thư của người dân, những clip phản ánh về những vụ bạo lực học đường và đặc biệt bày tỏ sự đau xót, phẫn nộ trước sự việc một nữ sinh Trường PTTH chuyên Đại học Vinh nghi tự tử vì bạo lực học đường. Đồng thời đều mong muốn vụ việc này phải được điều tra làm rõ và có biện pháp răn đe, xử lý nghiêm minh.

"Con sợ đi học, sợ đến trường"

Câu nói nhói lòng này là tin nhắn mà nữ sinh Trường PTTH chuyên Đại học Vinh nhắn cho mẹ, là cuộc trò chuyện giữa hai mẹ con khoảng thời gian trước khi em tự tử. Đã rất nhiều lần em tâm sự với mẹ rằng, em chán đi học, em không muốn đến trường.

Phía gia đình cũng thông tin thời gian gần đây em bị một nhóm bạn cùng lớp cô lập, thậm chí chặn đường đánh, em muốn chuyển lớp nhưng không được… Mẹ nữ sinh đã hai lần lên gặp Ban Giám hiệu nhà trường để phản ánh việc con gái bị bạo lực học đường, bị cô lập đồng thời xin chuyển lớp cho con gái nhưng đều không được phía nhà trường đồng ý.

Môi trường giáo dục, nhà trường đáng lẽ phải là nơi các em luôn cảm thấy hứng thú khi bắt đầu một ngày mới, được đến trường, được gặp bạn bè, thầy cô và tiếp thu những bài học mới bổ ích, thì nay mỗi lần thức dậy lại là nỗi sợ hãi, sự chán chường khi phải đến trường.

Chưa bao giờ tình trạng bạo lực học đường lại là hồi chuông cảnh báo, là vấn đề "nóng" nhận được sự quan tâm nhiều như vậy của dư luận xã hội.

Tài khoản Gia Hân <giahan312@gmail.com> gửi về thoongtinchinhphu@chinhphu.vn bày tỏ sự thương xót khi nữ sinh Trường chuyên Đại Học Vinh tự tử vì bạo lực học đường "Tôi khẩn khoản mong Chính phủ lưu tâm vấn đề này, vì thời đi học tôi từng chứng kiến và rất hiểu, bạo lực học đường rất kinh khủng đối với các em yếu thế đang học trên ghế nhà trường. Nếu không có sự can thiệp nhà trường, giáo viên, gia đình, xã hội thì mãi mãi bị ám ảnh tâm lý cho một phần thế hệ trẻ của đất nước. Đáng lẽ các con được bảo vệ được phát huy tài năng, cống hiến nhưng vì bạo lực học đường chúng ta đã đánh mất một phần chất xám cho đất nước".

Tài khoản Nga Trần tnga0869@gmail.com cho rằng: "Bạo lực học đường xảy ra một cách lộ liễu, để lại những hậu quả đáng tiếc, xót xa... Chúng ta kiên quyết đấu tranh để loại bỏ các khái niệm "bạo lực thể xác" và "bạo lực tinh thần" ra khỏi xã hội văn minh này. Đảng và Nhà nước cần đưa ra những giải pháp, biện pháp răn đe cụ thể sự việc này trước khi bạo lực học đường trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội…"

Có những tài khoản gửi clip quay được những vụ bạo lực học đường ngay từ cấp tiểu học, các em đánh nhau, chửi bới, mạt sát nhau trước sự cổ vũ của các bạn học sinh khác.

Bạo lực học đường len lỏi từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và cao hơn nữa. Ở mỗi cấp học mức độ có thể khác nhau nhưng hậu quả để lại rất nặng nề khiến nạn nhân chấn thương tâm lý, thậm chí phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.

Mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết Khoa Sức khoẻ vị thành niên của bệnh viện đã tiếp nhận một trường hợp trẻ gái học cấp 2 đã có ý định tự tử do bạo lực học đường.

Theo các bác sĩ, đây là trẻ có tính cách hoà đồng, học lực khá và trước đây không có biểu hiện bất thường tâm lý. Tuy nhiên, sự việc xảy ra khi có một nhóm bạn cùng lớp cho rằng trẻ có nói xấu các bạn. Vì thế, trẻ bị các bạn đánh ở trong và bên ngoài trường. Trẻ bị túm tóc, tát, đấm vào bụng, ngực và lưng, dùng chổi, ghế đánh vào người.

Trẻ nhập viện Khoa Sức khoẻ vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, buồn chán, kinh hãi khi nghĩ lại cảnh bị bạn bè đánh đập. Trẻ lo sợ việc tiếp tục đi học sẽ bị bạn bè ở lớp đánh đập và từng có ý định tự tử. Ở tại Bệnh viện, suốt ngày trẻ chỉ nằm thu mình, cảm giác tự ti và không muốn tâm sự hay trò chuyện với bất kỳ ai. Sau khi thăm khám và làm các trắc nghiệm tâm lý, các bác sĩ và nhà tâm lý đánh giá trẻ bị những sang chấn về tinh thần nặng nề.

Sau một thời gian trị liệu tâm lý, tinh thần của trẻ đã cải thiện hơn. Em đã cảm thấy khoẻ và vui vẻ hơn, hoà đồng với các bạn trong phòng và với mọi người. Ngoài ra, trẻ cũng ăn, ngủ tốt hơn và được ra viện sau đó. Mặc dù trẻ đã được ra viện, nhưng các bác sĩ vẫn lo lắng về những ảnh hưởng tâm lý lâu dài đối với trẻ đặc biệt khi trẻ đi học trở lại, nếu tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn thì hậu quả sẽ khó lường…

Bạo lực học đường: Trách nhiệm không của riêng ai

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh quan điểm: "Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học". Như vậy việc chú trọng đến phẩm chất người học đã được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Mặc dù chúng ta đã có một số quy định của pháp luật liên quan đến bạo lực học đường tại Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, về các biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, hỗ trợ người học có nguy cơ bị bạo lực học đường, biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo lực học đường; Thông tư số 38/2019/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH hội hướng dẫn xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, quy định về xử lý khi xảy ra bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Trên thực tế đã có không ít vụ bạo lực học đường xảy ra, từ ở trong trường các em học sinh chứng kiến, hay ở ngoài trường người dân xung quanh biết nhưng thờ ơ, vô cảm đứng nhìn, không can thiệp.

Hiện tượng bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn, có chiều hướng gia tăng trong các trường học và bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy trong 1 năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh có 1 em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nha

Còn theo thống kê của Bộ Công an, mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước đây, tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Hiện giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30. Trong đó, hơn 75% các trường hợp bạo lực mà đối tượng là học sinh và sinh viên.

Những số liệu trên thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và cả xã hội; nhắc nhở chúng ta cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này. Làm sao để các con mỗi ngày đến trường là một ngày vui, ngôi trường lớp học như chính ngôi nhà thân yêu của các em học sinh. Kiến thức là quan trọng nhưng mục đích của giáo dục vẫn là giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm của mình; trang bị các kỹ năng, năng lực và các giá trị đạo đức nhằm định hướng cho các em trong cuộc sống và vững bước vào đời sau này.

 

Theo Chinhphu.vn